HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG GIÁM SÁT THIẾT BỊ TRUYỀN DẪN

 Tính đến cuối tháng 5/2018, hệ thống giám sát thiết bị truyền dẫn, thiết bị WAN cho các Công ty Truyền tải điện (PTC) của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã chính thức đưa vào vận hành. Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm đã cho thấy công tác vận hành khai thác hệ thống mạng truyền dẫn và mạng WAN được thuận lợi rất nhiều.

Xác định tầm quan trọng của hệ thống mạng truyền dẫn và mạng WAN trong quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện, nhất là khi đưa các trạm biến áp (TBA) vào vận hành không người trực, đồng thời với yêu cầu đảm bảo khai thác hiệu quả các thiết bị truyền dẫn và thiết bị mạng WAN đã được trang bị, EVNNPT đã cho triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống giám sát thiết bị truyền dẫn cho các PTC.

Trong năm 2017, PTC3 được giao đại diện chủ đầu tư để chủ trì và thực hiện dự án với quy mô triển khai trong toàn EVNNPT. Cấu trúc hệ thống giám sát bao gồm các thiết bị phần cứng máy chủ, phần mềm chính được đặt tại Hà Nội - trụ sở của EVNNPT. Hệ thống này kết nối đến tất cả các thiết bị truyền dẫn và WAN được giám sát, cũng như kết nối đến các máy trạm (Client) giám sát đặt tại các PTC qua hạ tầng WAN của EVNNPT.

Hệ thống giám sát được trang bị 3 máy tính server và phần mềm chuyên dụng đảm bảo giám sát tập trung cho các thiết bị truyền dẫn của hãng Huawei, Siemens/NSN/Coriant và các thiết bị mạng WAN. Các thiết bị truyền dẫn thuộc các hãng khác như Lucent, Alcatel, ECI,... vì có số lượng nhỏ trong mạng truyền dẫn nên được giám sát riêng bằng các máy tính LCT tập trung tại các PTC và vận hành theo các phần mềm quản lý giám sát hiện hữu.

PTC3-WAN_040618.jpg
Mô hình định tuyến mạng WAN EVNNPT

Thực tế cho thấy, trước đây khi chưa xây dựng hệ thống giám sát tập trung, công tác vận hành khai thác mạng truyền dẫn có nhiều khó khăn. Mỗi khi có các sự cố liên quan đến cáp quang, thiết bị viễn thông hoặc thiết bị mạng WAN gây gián đoạn thông tin liên lạc hay nghẽn mạng thì việc thu thập thông tin để phân tích sự cố, tìm ra nguyên nhân sự cố phải mất nhiều thời gian do thiết bị chỉ được giám sát đơn lẻ bằng phần mềm quản lý tại chỗ và hầu hết nhóm công tác phải di chuyển tới phòng máy của TBA, của Truyền tải điện mới có thể kiểm tra chính xác tình trạng thiết bị cũng như điều tra nguyên nhân sự cố. Với tình hình phát triển lưới điện truyền tải rất mạnh mẽ và yêu cầu đảm bảo vận hành ổn định, tin cậy nên số thiết bị viễn thông được trang bị ngày càng lớn, số lượng kênh truyền viễn thông và WAN phục vụ điều hành, vận hành TBA ngày càng nhiều khiến việc quản lý các kênh dịch vụ cũng như kiểm soát thông tin lưu lượng gặp nhiều bất tiện, đặc biệt là công tác giám sát chất lượng, quy hoạch, tối ưu và phát triển mạng lưới viễn thông và mạng WAN trong toàn Tổng công ty có nhiều khó khăn.

Qua gần 5 tháng thử nghiệm, hệ thống giám sát đã giải quyết nhiều khó khăn nói trên nhờ hệ thống có các chức năng ưu việt sau:

- Về mặt quản lý thiết bị: Các thiết bị đang vận hành được hiển thị trực quan trên một màn hình giám sát chung với đầy đủ các thông tin liên quan như cấu hình, trạng thái hoạt động, thông tin kết nối, chủng loại thiết bị, vị trí được lắp đặt. Hệ thống giám sát cũng cho phép thống kê số lượng và cấu hình phần cứng của tất cả các thiết bị được giám sát. Hệ thống cho phép hiển thị hoặc lưu trữ các thông tin này dưới dạng báo cáo hay template theo yêu cầu quản lý.

- Về mặt quản lý dịch vụ toàn trình (end-to-end): Các kênh dịch vụ được kiểm soát từ điểm đầu đến điểm cuối bao gồm các thông tin về băng thông, cổng kết nối, các trạm thiết bị và tuyến cáp quang mà kênh đi qua... Trạng thái hoạt động của dịch vụ luôn được hiển thị trên hệ thống giám sát, bất kể sự cố nào xảy ra gây gián đoạn thông tin thì các cảnh báo liên quan sẽ được hiển thị làm cơ sở cho việc phân tích nguyên nhân và cách xử lý khắc phục sự cố. Hệ thống cũng cho phép khai báo mới và chỉnh sửa các kênh dịch vụ một cách dễ dàng dựa trên điểm đầu cuối và thông tin định tuyến, có thể thao tác từ xa mà không cần đến trạm và không cần phải cấu hình cho từng trạm thiết bị mà kênh dịch vụ đó đi qua.

- Về mặt quản lý sự cố: Hệ thống giám sát ghi nhận tất cả các thay đổi, tình trạng hoạt động liên quan đến tất cả các thiết bị được giám sát trên mạng dưới dạng cảnh báo và sự kiện mạng. Đây chính là các thông tin chỉ thị về loại sự cố (phần cứng, dịch vụ, cáp quang) với tính chất nghiêm trọng cũng như mức độ ảnh hưởng, làm cơ sở đưa ra các phương án xử lý hợp lý nhất. Phần mềm giám sát cũng hỗ trợ các công cụ và chức năng để kiểm tra chất lượng dịch vụ kênh truyền.

- Về mặt quản lý lưu lượng mạng: Tình trạng lưu lượng mạng có thể được thống kê tự động bằng phần mềm giám sát, thông tin này sẽ giúp ích cho việc phân bổ sử dụng băng thông hợp lý, phòng chống tắc nghẽn mạng cũng như quy hoạch phát triển mạng hiệu quả.

Nhờ có hệ thống giám sát mới được trang bị, các Công ty Truyền tải điện có thêm công cụ để tối ưu hóa và gia tăng năng lực mạng lưới, nâng cao hiệu quả công tác vận hành khai thác và giảm thiểu thời gian khắc phục sự cố viễn thông và công nghệ thông tin.

Qua ghi nhận từ các đơn vị thụ hưởng thuộc phạm vi dự án cho thấy còn một số việc phải làm trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu của báo cáo trên hệ thống phù hợp với yêu cầu giám sát và tính đặc thù của các Công ty Truyền tải điện; thực hiện tốt công tác kết nối và theo dõi tình hình tín hiệu, thông tin lưu lượng, hoạt động thiết bị truyền dẫn và WAN. Từ đó đề ra phương thức quản lý tối ưu, phối hợp quản lý điều hành, phân đoạn trách nhiệm cũng như thống nhất quy trình can thiệp hệ thống để kiểm soát, xử lý kỹ thuật qua hệ thống giám sát./.​

Các bài viết khác